Kế toán bán hàng là gì? Các công việc của kế toán bán hàng
Kế toán bán hàng là vị trí không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp, trong quá trình kinh doanh, sản xuất. Tùy theo quy mô, tổ chức mà vị trí kế toán bán hàng được tách riêng hoặc được kiêm nhiệm cùng với một số nghiệp vụ kế toán khác. Vậy kế toán bán hàng là gì, đảm nhận những công việc như thế nào?
Các công việc của kế toán bán hàng.
1. Kế toán bán hàng là gì?
Kế toán bán hàng là vị trí công việc không quá phức tạp và không đòi hỏi nhiều kỹ năng, nghiệp vụ kế toán chuyên sâu. Nhưng đây là bước tiền đề rất tốt cho các bạn tích lũy kinh nghiệm thực tế: Kinh nghiệm xử lý hóa đơn, chứng từ, công nợ, phải thu,...
Kế toán bán hàng (hay Sales Accountant) là vị trí có nhiệm vụ quản lý, ghi chép các nghiệp vụ liên quan đến bán hàng và tiền - hàng trong khâu bán hàng như xuất hóa đơn cho khách hàng, ghi vào sổ sách kế toán các khoản chi phí, doanh thu, thuế GTGT,... lập các báo cáo bán hàng và báo cáo liên quan.
>> Có thể bạn quan tâm: Hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giảm thuế GTGT 2024 theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP.
2. Vai trò của kế toán bán hàng đối với doanh nghiệp
Kế toán bán hàng đóng vai trò chủ chốt trong doanh nghiệp nhờ những vai trò sau:
- Kế toán bán hàng cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu về hàng hóa mua bán trong kỳ, từ đó, bộ phận quản lý nắm được và dễ dàng đánh giá hiệu quả bán hàng nhằm có kế hoạch điều chỉnh, phát triển.
- Kế toán phụ trách việc báo cáo các con số về doanh thu hàng tháng, sự chênh lệch giữa công đoạn sản xuất và bán hàng.
- Kế toán là vị trí không thể thiếu trong bộ máy kế toán của doanh nghiệp, ghi chép, trao đổi, theo dõi và cung cấp các số liệu, đảm bảo tính chính xác của tài khoản 511 và một số tài khoản khác liên quan trên báo cáo tài chính.
- Kế toán bán hàng cung cấp số liệu cho nhiều phòng ban liên quan như phòng kinh doanh, bán hàng, phòng mua hàng, sản xuất,...
Kế toán bán hàng cung cấp số liệu cho các phòng ban liên quan.
3. Công việc của nhân viên kế toán bán hàng
Các công việc của kế toán bán hàng sẽ xoay quanh hóa đơn chứng từ, công nợ, các khoản phải thu, phải trả,...
3.1. Công việc hàng ngày
Công việc hàng ngày của kế toán bán hàng gồm:
- Tập hợp toàn bộ hóa đơn bán hàng, dịch vụ.
- Làm báo giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ.
- Quản lý thông tin khách hàng: Sổ sách, chứng từ liên quan đến hoạt động bán hàng của công ty.
- Theo dõi, tổng hợp chi tiết hoạt động bán hàng.
- Theo dõi, tính các khoản chiết khấu cho khách hàng, đối tác.
- Theo dõi bán hàng theo chi nhánh, cửa hàng, bộ phận, của từng nhân viên hoặc theo từng hợp đồng.
- Tính thuế GTGT của hàng hóa bán ra.
- Phân hệ kế toán bán hàng liên kết số liệu với phân hệ kế toán công nợ phải thu, kế toán tổng hợp và kế toán hàng tồn kho.
- Theo dõi các khoản phải thu, tình hình thu, công nợ khách hàng.
- Phân hệ kế toán công nợ phải thu liên kết số liệu với phân hệ kế toán bán hàng, kế toán tiền mặt, tiền gửi để có thể lên được báo cáo công nợ và chuyển số liệu sang phân hệ kế toán tổng hợp.
- Lên kế hoạch thu công nợ, liên hệ khách hàng.
- Kiểm tra đối chiếu số liệu mua bán hàng trên phần mềm với số liệu kho và công nợ.
Công việc của một nhân viên kế toán.
3.2. Công việc cuối ngày
Vào cuối ngày, kế toán bán hàng cần thực hiện các công việc sau:
- Vào bảng kê chi tiết các hóa đơn bán hàng, tính tổng giá trị hàng đã bán, thuế GTGT trong ngày (nếu có).
- Tổng hợp số liệu bán hàng, mua hàng trong ngày để báo cáo cho Kế toán trưởng hoặc kế toán tổng hợp.
- Thực hiện việc đối chiếu với thủ kho về số lượng xuất, tồn kho vào cuối ngày.
3.3. Yêu cầu công việc đối với kế toán bán hàng
Để thực hiện tốt các công việc của một kế toán bán hàng, bạn cần trang bị các kỹ năng sau:
- Thành thạo tin học văn phòng, có thể sử dụng các phần mềm bán hàng.
- Trung thực và cẩn thận.
- Giao tiếp tốt, có kỹ năng đàm phán, thuyết phục để đàm phán với khách hàng, đối tác.
- Có kiến thức về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ của công ty.
- Được đào tạo về quy trình kế toán, thuế và pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
3.4. Quyền hạn của kế toán bán hàng
Kế toán bán hàng có các quyền hạn sau:
- Đề xuất các biện pháp thu hồi công nợ.
- Đề xuất các trường hợp thanh toán khi có vướng mắc với Kế toán trưởng.
- Chủ động kiểm tra, theo dõi, nhắc nhở thanh toán công nợ.
- Đề xuất Trưởng phòng mức thanh toán và lịch thanh toán công nợ đối với bên khách hàng.
- Đề xuất khi có điều chỉnh, sửa đổi, hủy hóa đơn.
- Đề xuất phương án xử lý khi yêu cầu xuất hóa đơn của khách hàng chưa phù hợp.
- Nhận sự chỉ đạo, phân công, điều hành trực tiếp của Kế toán trưởng.